Hai đảng ở Mỹ không nhượng bộ-‘BBC

Thái An ( CNN)Người khiến chính phủ Mỹ ngừng hoạt động

 Bùi Hoàng Tám-Đưa ngay những kẻ bất tài, lười biếng… ra khỏi công sở!  

Tan hoang sau trận lũ lịch sử(VNN)

Chính phủ Mỹ đóng cửa

Đàn vịt trước Capitol Hill. Ảnh: HM

Đàn vịt trước Capitol Hill. Ảnh: HM

Tin VOA và BBC VN cho hay, Quốc hội Hoa Kỳ đã không thống nhất được về ngân sách trước ngày 1/10 và chính phủ liên bang đã bắt đầu đóng cửa khiến hơn 700.000 nhân viên nhà nước phải ở nhà, các khu vườn quốc gia, bảo tàng, các dịch vụ và khu nhà chính phủ phải ngưng hoạt động. “Đàn vịt Cộng Hòa” đã át cả tiếng hí của chú Lừa Dân chủ trong vụ Obamacare được coi là sản phẩm của CNXH.

BBC VN đưa tin chi tiết

  • Bộ Quốc phòng: Khoảng 1,4 triệu nhân viên mặc quân phục sẽ vẫn hoạt động. Một nửa trong số 800.000 nhân viên dân sự sẽ nghỉ làm nhưng các dịch vụ “đảm bảo an ninh quốc gia” được coi là ngoại lệ. Nhưng tất cả các nhân viên sẽ không được trả lương khi đi làm. ”Các nhân viên quân đội và dân sự phải đi làm sẽ được trả lương sau khi ngân sách tiếp tục được phân bổ,” theo ông Robert Hale, kiểm soát viên tài chính của Bộ Quốc phòng.
  • Bộ Năng lượng: Hầu hết các ban bệ của Bộ Năng lượng với gần 14.000 nhân viên sẽ đóng cửa trong khi chỉ khoảng hơn 1.000 nhân viên làm việc. Trong số 1.000 nhân viên đi làm có những người chịu trách nhiệm về an toàn cho các cơ sở hạt nhân, đập nước và đường dây tải điện quốc gia.
  • Bộ Giao thông: Các vị trí trong Bộ Giao thông, từ kiểm soát không lưu cho các sân bay tới thanh tra các nguyên liệu độc hại sẽ tiếp tục làm việc. Gần 37.000 trong số hơn 55.000 nhân viên của bộ này tiếp tục đi làm. Những hoạt động bị tạm ngưng bao gồm thanh tra an toàn ở các cơ sở, các hoạt động kiểm tra nhân sự đối với nhân viên và chương trình thử ma túy dành cho nhân viên.
  • Viện Smithsonian: Sở thú Quốc gia và 19 bảo tàng và khu triển lãm bao gồm cả Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Bảo tàng Chân dung và Bảo tàng Hàng không Không gian sẽ đóng cửa. Trong tổng số hơn 4.000 nhân viên, gần 700 sẽ được giữ lại để “bảo vệ sinh mạng và tài sản” – đó là các nhân viên bảo vệ, nhân viên chăm sóc và nuôi thú tại Sở thú Quốc gia. Viện Smithsonian nói: “Về mặt pháp lý, Viện không thể nhận các dịch vụ tình nguyện của nhân viên để tiếp tục hoạt động trong thời gian phải đóng cửa.”
  • Vườn Quốc gia: Các vườn quốc gia – từ Yosemite tới Alcatraz và Tượng Nữ thần Tự do – sẽ đóng cửa và chỉ hơn 3.000 trong số gần 25.000 nhân viên tiếp tục làm việc. Các nhân viên này bao gồm những người đảm trách dịch vụ cứu hỏa, khẩn cấp và thực thi pháp luật. Những khách thăm vườn quốc gia trong ngày sẽ phải ra về ngay lập tức trong khi những người đang sử dụng các nơi ở qua đêm cũng sẽ phải tìm nơi ở khác.
  • Bộ Nội an: Khoảng 86% trong số 240.000 nhân viên sẽ tiếp tục làm việc trong đó có những người phụ trách kiểm tra hải quan ở các sân bay và hải cảng và đồn biên phòng. Đa số Lực lượng Tuần duyên, Mật vụ và Quản lý An toàn giao thông cũng sẽ thuộc diện miễn trừ trong giai đoạn ngưng hoạt động của Chính phủ. Cơ quan Di trú và Quốc tịch Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục xử lý hồ sơ xin thẻ xanh.
  • Bộ Tư pháp: Trong số gần 115.000 nhân viên của Bộ Tư pháp, khoảng gần 97.000 sẽ thuộc diện ngoại lệ bao gồm tất cả nhân viên của Cục Điều tra Liên bang FBI. Các nhân viên của Cục Chống Ma túy, Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ cũng như các luật sư sẽ vẫn đi làm. Những người được miễn trừ khác là các nhân viên làm việc trong các nhà tù.
  • Bưu điện: Dịch vụ Bưu điện độc lập về tài chính sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Bưu điện không nhận ngân sách mà dựa vào thu nhập từ bán tem cũng như các loại phí khác.

 Lời bình của Cua Times: Người Việt mình ở xa nước Mỹ tới nửa vòng trái đất, chuyện đóng cửa chính phủ Mỹ có lẽ không liên quan đến xứ Đông Dương. Cứ nghĩ nước Mỹ sẽ ngừng mọi hoạt động và suy thoái tiến tới diệt vong, kết thúc chủ nghĩa tư bản. Ta thì sống ngon.

Nếu ở Washington DC những ngày này, du khách sẽ thấy vài công viên đóng cửa, bảo tàng Smithsonian không hoạt động. Tuy nhiên, mấy ông nghị bỏ phiếu chống Obamacare, lương vẫn lĩnh đủ, nhân viên Nhà Trắng, Quốc hội vẫn đi làm, metro vẫn chật người. 700.000 nhân viên phải nghỉ việc, hoặc làm không lương, so với 315 triệu người Mỹ, thì không thể ảnh hưởng ngay lập tức.

Có nhằm nhò tới VN không. Nếu bảo có thì bạn đọc sẽ cười vào mũi, chê ai đó bênh Mỹ. Nhưng chuyện thế này.

Giả sử 700.000 nhân viên cổ cồn cravat, mỗi ngày tiêu 1$ cho cá basa nhập khẩu từ Việt Nam (mua ở cửa hàng về nấu, ăn ở fast food hay nhà hàng), 1$/ngày cho quần áo đi làm. Nếu 1/3 số  quần áo được nhập từ VN, thì thiệt hại là nhãn tiền đối với nông dân Nam Bộ nuôi tôm cá, công nhân may mặc xứ Việt. Công cuộc toàn cầu hóa đã đến mọi ngõ ngách của thế giới. Nơi này có chiến tranh, nơi kia có thảm họa, nơi khác có khủng hoảng chính trị… đều liên quan tới nhau.

Nếu nhìn về phương diện chính trị, thấy tư bản quằn quại có người mừng, nhưng đôi khi là mừng  trên sự đau khổ của tầng lớp công nông tiền phong, đang kiếm từng đồng xu nhỏ, đóng thuế giúp các đại gia và các quan chức xây nhà, mua xe, gửi con du học. Nông dân không bán được cá, áo quần không ai mua, thì tiền cho quan chức và đại gia cũng ít đi. Hiệu ứng domino kinh tế toàn cầu không đơn giản như Karl Marx nghĩ cách đây gần 2 thế kỷ.

Nhìn một hiện tượng, ta nên tỉnh táo.

HM. 10-1-2013

http://hieuminh.org/2013/10/01/24959/

Hai đảng ở Mỹ không nhượng bộ

Cập nhật: 09:29 GMT – thứ tư, 2 tháng 10, 2013
Thông báo đóng cửa trước một công viên quốc giaMột số cơ quan chính phủ Mỹ đã ngừng hoạt động kể từ hôm qua

Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết không cho phép Đảng Cộng hòa phá hoại đạo luật cải cách y tế mang đậm dấu ấn của ông để đặt điều kiện thông qua ngân sách hoạt động cho chính quyền.

Trong khi đó tin mới nhất chúng tôi nhận được cho hay ông tổng thống vừa quyết định hủy chuyến thăm Malaysia vì bế tắc ngân sách khiến chính phủ Hoa Kỳ phải đóng cửa hoạt động một phần.

Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo như vậy hôm 2/10. Không rõ điều này có ảnh hưởng tới việc ông tham dự hội nghị thượng đỉnh Apec trước đó ở Indonesia hay không.

Tổng thống Hoa Kỳ có kế hoạch thăm bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Brunei, Malaysia và Philippines để bàn về hai chủ đề trọng tâm là đề kinh tế và an ninh trong thời gian từ 6/10-12/10.

Ông Obama không đến Việt Nam trong chuyến đi này.

Mỹ đã đóng cửa một phần các cơ quan nhà nước sau khi lưỡng viện Quốc hội không thể nhất trí về ngân sách do phe Cộng hòa nhất quyết đòi phải rút hoặc hoãn lại đạo luật y tế được gọi là Obamacare.

‘Cuộc chiến ý thức hệ’

“Họ muốn tống tiền,” Obama nói.

Hơn 700.000 nhân viên liên bang phải nghỉ phép không hưởng lương trong khi các viện bảo tàng, công viên quốc gia và nhiều trụ sở chính quyền đóng cửa.

Hôm thứ Ba ngày 1/10, Tổng thống Obama quy trách nhiệm cho những dân biểu Cộng hòa cứng rắn trong Hạ viện về việc chính quyền Mỹ bị đóng cửa. Ông nói rằng ‘một bộ phận của đảng này’ là nguyên nhân bởi vì ‘họ không thích một đạo luật’.

“Họ làm cho chính phủ phải dừng hoạt động trong một cuộc chiến ý thức hệ để tước bỏ bảo hiểm y tế trong tầm tay đối với hàng triệu người dân Mỹ,” Obama phát biểu từ Nhà Trắng.

Ông yêu cầu Quốc hội ‘thông qua ngân sách, đưa chính quyền hoạt động trở lại, chi tiền và tránh làm cho nền kinh tế tê liệt’.

“Họ (Đảng Cộng hòa) làm cho chính phủ phải dừng hoạt động trong một cuộc chiến ý thức hệ để tước bỏ bảo hiểm y tế trong tầm tay đối với hàng triệu người dân Mỹ.”

Tổng thồ́ng Barack Obama

Trong lúc này, phe Cộng hòa đã kêu gọi đối thoại với phe Dân chủ.

“Có lẽ nếu Tổng thống Obama dành ít thời giờ hơn để đọc những bài diễn văn đầy tính đảng phái và bỏ nhiều thời gian hơn làm việc với Quốc hội để tìm cách giải quyết vấn đề thì chúng tôi đâu phải ở trong tình cảnh mà nhẽ ra có thể tránh được như thế này,” phát ngôn nhân của dân biểu Eric Cantor, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, nói với BBC.

Nhà Trắng đã bác kế hoạch do phe Cộng hòa đưa ra là chỉ chi tiền cho một số cơ quan chính phủ như công viên quốc gia, trợ cấp cho cựu chiến binh và ngân sách hoạt động cho DC.

Chính quyền Obama đã nói họ sẽ phủ quyết bất cứ dự luật nào chỉ thông qua ngân sách hoạt động một phần.

“Những việc làm nhỏ nhặt này không thật sự nghiêm túc, không cách nào điều hành chính phủ được,” nữ phát ngôn nhân Nhà Trắng Amy Brundage phát biểu trong một thông cáo.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã ký thông qua một dự luật tối hôm 30/9 để đảm bảo rằng quân đội vẫn nhận được lương trong giai đoạn này.

‘Đạo đức giả’

Obama Đảng Cộng hòa chỉ trích Obama là ‘nói nhiều’ thay vì phải làm việc

Phát ngôn nhân của Chủ tịch Hạ viện John Boehner, một thành viên Đảng Cộng hòa, mô tả lập trường của Nhà Trắng là ‘đạo đức giả một cách không lâu bền’.

Trong khi phía Dân chủ cho thấy họ đoàn kết trong lập trường chống đối đàm phán để sửa đổi đạo luật Obamacare thì trong lòng Đảng Cộng hòa đã có những dấu hiệu chia rẽ.

Hạ nghị sỹ Scott Rigell đã rời bỏ hàng ngũ Đảng Cộng hòa và ủng hộ một dự luật ngân sách mà trong đó không động gì đến các cải cách y tê của Tổng thống Obama.

Hạ nghị sỹ Peter King nói với tờ Washington Post ông là ‘người duy nhất mạnh mẽ lên tiếng phản đối’ việc đóng cửa chính phủ.

Vị dân biểu này mô tả những đồng nghiệp Cộng hòa của ông là ‘thu mình trong thế giới riêng, chỉ lắng nghe nhau và nói chuyện với nhau mà thôi’.

Trong khi hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đổ lỗi cho nhau, một cuộc thăm dò ý kiến hôm thứ Ba ngày 1/10 cho thấy người dân Mỹ có xu hướng chỉ trích chiến lược của Đảng Cộng hòa.

“Có lẽ nếu Tổng thống Obama dành ít thời giờ hơn để đọc những bài diễn văn đầy tính đảng phái và bỏ nhiều thời gian hơn làm việc với Quốc hội để tìm cách giải quyết vấn đề thì chúng tôi đâu phải ở trong tình cảnh mà nhẽ ra có thể tránh được như thế này.”

Phát ngôn nhân của dân biểu Eric Cantor, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện

Khoảng 72% người được hỏi cho biết họ phản đối Quốc hội đóng cửa chính phủ liên bang để phong tỏa đạo luật về y tế, theo cuộc thăm dò dư luận do Đại học Quinnipiac tiến hành.

Đạo luật về cải cách y tế được thông qua hồi năm 2010 và sau đó được Tòa án Tối cao chuẩn y và là một chủ đề chính trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái mà khi đó Barack Obama đã chiến thắng.

Một trong những điều khoản chính của đạo luật – thị trường mới trên mạng cho người dân mua bảo hiểm y tế được trợ cấp – bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10.

Trong lúc này, thời hạn chót về việc nới trần vay nợ của Chính phủ Mỹ vào ngày 17/10 đang đến gần.

Vào ngày này, Chính phủ Mỹ sẽ đến giới hạn mà họ có thể mượn tiền để thanh toán các chi phí vốn được gọi là trần nợ.

Phe Cộng hòa ở Hạ viện cũng đã yêu cầu Chính phủ phải nhượng bộ về chính sách, trong đó có đạo luật y tế cũng như các quy định tài chính và môi trường, thì họ mới nới trần vay mượn.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/10/131002_obama_on_shutdown.shtml

Người khiến chính phủ Mỹ ngừng hoạt động

Tác giả: Thái An (Theo CNN)

KD: Sự kiện và hiện tượng “Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động” là một sự kiện còn khá mới mẻ với số đông người dân VN- một hiện tượng của xã hội văn minh, thú vị, đáng quan tâm, tìm hiểu.

Đọc thêm: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/142813/mat-trang–ty-do–khi-chinh-phu-my-dong-cua.html

Một trong những nhân vật nổi bật kiến tạo nên kế hoạch khiến chính phủ Mỹ phải chính thức ngừng hoạt động lại là một nghị sĩ ít người biết tới khi mới chỉ có mặt tại nhiệm sở vẻn vẹn 8 tháng.

Mỹ, đóng cửa, chính phủ
Ảnh: Getty Images

Nghị sĩ mới được bầu này đã cố gắng hạ thấp vai trò của mình, nói rằng, ông có ảnh hưởng tương đối nhỏ. Nhưng trong thực tế, các nỗ lực của ông đã đẩy Washington tới bờ vực.

Vấn đề nằm ở Đạo Luật Chăm Sóc Sức Khỏe Hợp Túi Tiền – còn gọi là Obamacare. Một số nghị sĩ Cộng hòa đang yêu cầu hủy bỏ hoặc ít nhất là trì hoãn nó. Họ cho rằng, cách tốt nhất để thực hiện điều đó là gắn nó với một dự luật cần phải thông qua để cấp tiền cho chính phủ. Ý tưởng này khiến Washington “khốn khổ” trong vòng hơn một tuần lễ và phơi bày kẽ hở trong đảng Cộng hòa.

Vậy, nghị sĩ nào âm thầm gây ảnh hưởng trong các cuộc tranh cãi? Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người đã hoàn thành bài diễn thuyết kỷ lục nhằm vận động Thượng viện Mỹ bác bỏ việc cấp ngân sách cho chương trình y tế do Tổng thống Obama đề xuất (Obamacare) với tổng thời gian diễn thuyết liên tục lên tới 21 giờ 19 phút, là nhân vật trung tâm? Nhưng đồn đoán ấy là sai lầm.

Câu trả lời? Mark Meadows, người đại diện vùng phía tây của Bắc Carolina và vận dụng ảnh hưởng âm thầm phía sau ánh sáng máy quay hay những chiếc micro nóng bỏng.

Trong tháng 8, khi các nghị sĩ dành thời gian ở quận huyện của họ, thì Meadows đã viết thư gửi tới các nhà lãnh đạo Cộng hòa đề xuất rằng, họ cần phải gắn kết việc bác bỏ Obamacare với một dự luật cấp tiền cho chính phủ năm tới.

Meadows đã thành công trong việc thuyết phục 79 đồng nghiệp của ông ký vào lá thư. Và ông còn đi xa hơn, khi dẫn đầu một nhóm 40 nghị sĩ yêu cầu rút lại Obamacare hoặc bãi bỏ điều khoản về ngân sách. Khi đó họ mới thông qua ngân sách cho hoạt động của chính phủ. Trong bài phỏng vấn dài với CNN, Meadows giải thích: “Mục tiêu của chúng tôi không phải là đóng cửa chính phủ. Đó là ngăn chặn luật chăm sóc sức khỏe”.

Lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Harry Reid gọi những người ủng hộ kế hoạch như vậy là “vô chính phủ”. Ông nói: “Một ngày tồi tệ với chính phủ là một ngày tốt đẹp với nhóm Tiệc trà”.

Lúc đầu, các nhà lãnh đạo Cộng hòa ở Hạ viện tỏ ra miễn cưỡng và bác bỏ kế hoạch này. Chủ tịch Hạ viện John Boehner và khá nhiều nghị sĩ khác tin rằng, chiến lược có này thể dẫn tới việc đóng cửa chính phủ khi Thượng viện do Dân chủ dẫn dắt sẽ không bao giờ chấp thuận.

Thêm vào đó, họ tin là phe Cộng hòa sẽ bị đổ lỗi nếu việc đóng cửa chính phủ xảy ra. Những cuộc thăm dò gần đây đã minh chứng điều đó. Cuộc khảo sát của CNN/ORC International Poll cho biết, 51% người được hỏi nghĩ là như vậy. Đó là một rủi ro chính trị mà không lãnh đạo nào muốn mạo hiểm.

Cho dù lá thư của Meadows không đại diện cho số đông, nhưng nó là một nhân tố thuyết phục Boehner đảo ngược tiến trình và đặt ra một kế hoạch cấp tiền cho chính phủ nhưng không chấp thuận ngân sách cho Obamacare.

Meadows cho biết, với ông, loại bỏ Obamacare là ưu tiên số một. “Tôi đại diện cho 749.000người đã bầu cho tôi”, ông nhấn mạnh, rằng những cử tri của ông muốn ông đấu tranh chống lại Obamacare “bất kể hậu quả”. Meadows đại diện cho khu vực cử tri bảo thủ. Ông đắc cử năm 2012 và kế nhiệm nghị sĩ đảng Dân chủ Heath Shuler, người đã quyết định không tái cử. Ông làm việc rất chặt chẽ với nhóm Tiệc trà và là cầu nối với chương trình nghị sự của họ.

Hiện các nghị sĩ đảng Cộng hòa dự đoán, việc chính phủ ngừng hoạt động sẽ kéo dài ít nhất một tuần. Các đảng viên Dân chủ dự đoán nếu tình trạng chính phủ bị tê liệt kéo dài tới cuối tuần này, tranh cãi về việc cấp ngân sách cho chính phủ sẽ dẫn tới một cuộc chiến nghiêm trọng hơn về giới hạn nợ liên bang 16,7 nghìn tỷ USD.

————————

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/142780/nguoi-khien-chinh-phu-my-ngung-hoat-dong.html

Đưa ngay những kẻ bất tài, lười biếng… ra khỏi công sở!

Tác giả: Bùi Hoàng Tám

KD: Một đòi hỏi chính đáng nhưng khó khả thi. Vì những ai có … quyền bất tài, lười biếng lại phải ra khỏi công sở? Khi mà chủ nghĩa CCCCC  còn phổ biến. Mình cũng như nhà báo Bùi Hoàng Tám từng chứng kiến một  số “vị” như thế ở một cơ quan. Nhưng không ai dám đụng vào chỉ vì các vị ấy thuộc CCCCC, thành thử cả cơ quan cung kính và mỉa mai, gọi là “Giáo sư”, (khổ thân cho cái danh GS). Còn những vị khác nghiễm nhiên nhảy lên các chức vụ nắm quyền sinh quyền sát của mọi người. Nhưng điều này mới ô nhục, là lập tức cũng có không ít người xun xoe nịnh bợ thê thảm, một điều chị, hai điều anh…

Vẫn có đất để cho những vị có… quyền bất tài, lười biếng, là bởi đâu? Câu hỏi này chắc không thuộc về những người lao động.

(Dân trí) – Chính phủ chỉ đạo xem xét lại số lượng thứ trưởng ở các bộ. Đó là thông tin mới nhất được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/9 vừa qua.
 >>  Đa số các Bộ có số thứ trưởng “vượt trần”
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Khởi đầu cho việc này là ý kiến của chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Ksor Phước đã thẳng thắn đặt vấn đề trừ Bộ khoa học Công nghệ có số lượng (4 vị) đúng với Nghị định 36 năm 2012, tất cả các bộ còn lại hiện nay đều thừa thứ trưởng. Trong đó, nhiều thứ trưởng nhất là Bộ Tài chính (9 vị). Bốn bộ có bảy thứ trưởng là Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Chính phủ.

9 bộ có sáu thứ trưởng gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các bộ còn lại có 5 thứ trưởng.

Tuy Nghị định 36 qui định với Bộ quản lý Nhà nước nhiều ngành phức tạp thì được nhiều hơn 4 và phải do Thủ tướng quyết định nhưng việc hầu hết các bộ đều quá số lượng, không thể nói khác, là làm trái với Qui định 36. Theo lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Nếu ông nào làm sai quy định phải xử lý, còn nếu quy định chưa phù hợp cũng phải xem lại”.

Nguyên nhân vì đâu các bộ lại có nhiều lãnh đạo như vậy?

Có lẽ có nhiều và rất nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân dễ thấy nhất hiện nay. Đó là bộ phận tham mưu, giúp việc ở các cơ quan bộ rất yếu kém về cả năng lực lẫn thái độ, phong cách.

Việc soạn thảo và ban hành hàng loạt những văn bản trái pháp luật, không hợp lòng dân và cả “ngô nghê” của một số bộ ngành đã bị đình chỉ, tuýt còi, thu hồi… vừa qua đã nói lên điều đó.

Sự chậm trễ trong việc ban hành thông tư dưới luật hay điển hình như vụ bức thư 30 ngày của Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nói lên điều đó.

Lời nhận xét đúng đến 101% của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đội ngũ 30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô về nói lên điều đó…

Còn nhiều và rất nhiều các dẫn chứng sinh động cho sự yếu kém này.

Xin kể một ví dụ mà chính người viết bài này trực tiếp chứng kiến.

Cách đây chưa lâu, mình được phân công thực hiện cuộc phỏng vấn cho số báo tết. Biết vị bộ trưởng rất bận nên cách tết chừng 2 tháng, mình đã gửi nội dung phỏng vấn đến thư ký Bộ trưởng và được Bộ trưởng đồng ý trả lời.

Khoảng gần một tháng sau, mình hỏi vị thư ký thì được biết bộ phận truyền thông của Bộ đang tập hợp tài liệu, lập đề cương…

Sau rất nhiều cuộc điện thoại, nhắn tin thúc giục, mình mới nhận được thông báo là đã chuyển đến cho thư ký Bộ trưởng. Giục vị thư ký nhiều lần, cuối cùng thư ký bộ trưởng đành thành thật rằng dù đã bắt sửa đi, sửa lại nhưng chất lượng quá kém nên vị thư ký không dám trình lên Bộ trưởng…

Với đội ngũ cán bộ giúp việc yếu kém, có thể không khó để cảm nhận rằng, không ít vị thứ trưởng đã phải nhiều lần làm việc thay vụ trưởng, thậm chí hoàn toàn có những việc có thể phải thay cả… nhân viên văn phòng.

Người xưa có câu: “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Việc một số lãnh đạo từng phải bẽ mặt rút những quyết định vừa ký chưa ráo mực có nguyên nhân sâu xa từ đội ngũ giúp việc kém cỏi này.

Không dừng ở đó, không ít cán bộ giúp việc còn tỏ thái độ hống hách, “tinh tướng” nên những ai đã đến công đường rất sợ gặp những cán bộ loại này. Tuy chỉ là nhân viên giúp việc nhưng họ như những “ông kễnh” ở chốn công đường hạch sách, quát nạt. Trong khi đó thì ngược lại, những ông chủ đích thực thường niềm nở, trọng thị….

Vì vậy theo mình, một khi chưa cải tổ được bộ máy giúp việc thì dẫu có 4 thứ trưởng chứ 40 thứ trưởng, công việc vẫn bù đầu và rối như canh hẹ.

Người xưa cũng có câu: “Đa quan tàn dân”. Quan đông thì dân khổ.

Một bộ máy quản lý nhà nước càng tinh giản và tinh nhuệ bao nhiều thì xã hội càng phát triển bấy nhiêu và ngược lại.

Đã đến lúc cần cuộc cải tổ bộ máy văn phòng của tất cả các bộ, ngành, đưa những kẻ bất tài, ăn bám, sáng cắp ô đi, tối cắp về, những kẻ hống hách, khinh dân ra khỏi chốn công đường, phải không các bạn?

———————

http://dantri.com.vn/blog/dua-ngay-nhung-ke-bat-tai-luoi-bieng-ra-khoi-cong-so-785338.htm

Đưa ngay những kẻ bất tài, lười biếng… ra khỏi công sở!