Thẻ

, , ,

Bản tuyên bố mới nhất về Hiến pháp Việt Nam-Gia Minh

-Trước thềm thông qua hiến pháp sửa đổi: Yêu cầu giải thích rõ cái “Xã hội chủ nghĩa” là cái gì?(DL)

Kênh Quan Chánh Bố: Thư PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận gửi ĐBQH Võ Thị Dung

Tham nhũng màu hồng và bàn tay rửa sạch-Phạm Chí Dũng

Sao cứ phải là chủ đạo?

“Trong dòng thời sự gần đây, các câu chuyện liên quan đến doanh nghiệp nhà nước như vụ tham nhũng hàng chục tỉ đồng và gây thiệt hại đến hàng trăm tỉ ở Vinalines, hay vụ gây thất thoát tài sản lên đến 500 tỉ đồng tại Công ty cho thuê Tài chính II, còn trước đó là việc Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay cho Vinashin hàng trăm triệu đôla Mỹ đã khiến rất nhiều người dân, nhất là những người nghèo, cảm thấy xót xa.”-QUẾ THANH/DNSGCT

Tránh nguy cơ “khóa” các quyền hiến định

Nguyên Lâm

… trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, quyền tiếp cận thông tin (cùng với quyền biểu tình, hội họp, lập hội, tự do báo chí) phải “theo quy định của pháp luật”, tức là theo quy định của cả các văn bản không phải do Quốc hội ban hành, thậm chí một quyết định của UBND xã.

… trong Hiến pháp cũng cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội ban hành các luật như Luật Biểu tình, Luật tiếp cận thông tin, Luật về hội…

VietnamNet

04/11/2013 02:00 GMT+7

Theo kết quả khảo sát, bất bình đẳng về thông tin đang là rào cản trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân.

LTS: Ngày mai (5/11), Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Nguyên Lâm về vai trò của Hiến pháp với những tác động cụ thể đến đời sống nhân dân.

Ngay trước kỳ họp Quốc hội bàn và quyết về Hiến pháp sửa đổi, Chỉ số Công lý 2012 đã được công bố.

Theo khảo sát về Chỉ số, tuyệt đại đa số người dân không hề biết hoặc biết rất ít về Hiến pháp. Trong đó, tỷ lệ không hề biết là 2129/5045; biết ít 2778/5045, và chỉ có 136 người biết nhiều.

Con số này khẳng định lại một giả định phổ biến lâu nay cho rằng Hiến pháp là một điều gì đó rất xa lạ với người dân bình thường. Nghiên cứu về các nước khác cũng cho thấy kết quả tương tự.

Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, Hiến pháp lại phải gắn với cuộc sống của người dân, hiện diện trong mỗi phận người, cho dù ngay cả người đó cũng không nhận thấy. Ý niệm và kỳ vọng của người dân về pháp luật và công lý được đo đếm từ các trải nghiệm và tiếp xúc thực tế với cơ quan công quyền, từ thực tiễn, những vấn đề người dân va chạm, cảm nhận và chứng kiến hàng ngày. Không phải những quy phạm trên giấy.

Vậy thì Hiến pháp có thể làm gì để đáp ứng kỳ vọng của người dân về công lý? Trên phương diện này, nhiều phát hiện và kiến nghị của báo cáo về Chỉ số công lý có thể gợi ý cho ĐBQH những ý tưởng trước các vấn đề Hiến pháp từ góc nhìn của người dân.

Mong đợi đối với sửa đổi Hiến pháp

Không có gì ngạc nhiên khi mặc dù hiểu biết ít về Hiến pháp, nhưng mong đợi của người dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp là rất lớn, làm sao mang lại những gì thiết thân cho người dân. Như một nhóm người dân chia sẻ với chuyên gia thực hiện khảo sát giữa năm 2012, họ không biết Hiến pháp là gì, nhưng lại mong đợi là qua đợt sửa đổi Hiến pháp này cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.

Điều này càng được phản ánh rõ qua tỷ lệ trả lời câu hỏi về mong đợi của họ đối với việc sửa đổi Hiến pháp.

Trong đó, khoảng 89% số người mong đợi việc sửa đổi Hiến pháp làm cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn; gần 80% mong đợi để đảm bảo dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; khoảng 85% mong đợi để đảm bảo các quyền cơ bản của con người; hơn 80% muốn các cơ quan, cán bộ nhà nước làm đúng trách nhiệm và không lạm quyền.

Những mong đợi này trực tiếp hay gián tiếp đều liên quan đến đảm bảo công lý trên thực tế. Có thực tế thú vị là, tuyệt đại đa số người được hỏi đã trả lời các câu hỏi về tình hình thực hiện các quyền con người và quyền công dân quy định trong Hiến pháp; đối với hầu hết các quyền, rất ít người không biết hoặc không muốn trả lời.

Như vậy, mặc dù biết ít về bản văn Hiến pháp, nhưng người dân biết và quan tâm nhiều đến các quyền của mình.

Tránh nguy cơ “khóa” các quyền hiến định

Muốn tiếp cận công lý, người dân cần có thông tin. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát, bất bình đẳng về thông tin đang là rào cản trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân.

Quyền tiếp cận thông tin chưa được đảm bảo tốt thể hiện từ việc đảm bảo cung cấp thông tin pháp luật của các cơ quan nhà nước nói chung, tới việc công khai minh bạch các thông tin về dịch vụ công như xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay các yêu cầu hành chính tư pháp cơ bản như đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh hay hộ tịch.

Thế nhưng, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, quyền tiếp cận thông tin (cùng với quyền biểu tình, hội họp, lập hội, tự do báo chí) phải “theo quy định của pháp luật”, tức là theo quy định của cả các văn bản không phải do Quốc hội ban hành, thậm chí một quyết định của UBND xã.

Như vậy, quyền hiến định sẽ có nguy cơ bị “khóa” bởi vô số các “quy định pháp luật” nếu các cơ quan nhà nước các cấp muốn vậy. Không những thế, “cái khóa” này cũng sẽ vô hiệu hóa một số quy định khác về sự công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Nói chung, việc phân tích sâu hơn kết quả khảo sát cũng cho thấy đánh giá về tính khả thi trên thực tế của các quyền hiến định nhưng chưa luật định thấp hơn nhiều so với các quyền khác.

Đó là các quyền tự do lập hội, quyền biểu tình, quyền tiếp cận thông tin như đã nêu. Đồng thời, theo kết quả khảo sát, nhóm có vị thế xã hội được bảo đảm các quyền cơ bản tốt hơn nhiều so với người nghèo, học vấn thấp, phụ nữ và những người không có vị thế. Nghĩa là còn tồn tại sự bất bình đẳng trong hưởng thụ các quyền.

Như vậy, trong Hiến pháp cũng cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của Quốc hội ban hành các luật như Luật Biểu tình, Luật tiếp cận thông tin, Luật về hội…Những luật này quy định các điều kiện cụ thể để thực thi quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đảm bảo các điều kiện đó một cách bình đẳng, không thiên vị.

Tranh chấp về đất đai

Theo phản ánh của người dân qua khảo sát về Chỉ số công lý, qui định hiện hành về chế độ sở hữu và sử dụng đất đai, thiếu công khai minh bạch về qui hoạch và kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương là các nguyên nhân chính làm cho người dân không yên tâm về việc sử dụng ổn định, lâu dài và đầu tư vào đất để sản xuất, kinh doanh.

Gần 43% người được phỏng vấn cho rằng “khiếu nại, tranh chấp về đất đai là vấn đề nóng tại địa phương” nơi họ sinh sống. Báo cáo về Chỉ số công lý nêu rõ: “Điều này một lần nữa khẳng định thực tế, các bất cập về chính sách và quản lý đất đai ở các địa phương đã dẫn tới xung đột, khiếu kiện và khiếu nại đông người”.

Trong toàn bộ 513 tranh chấp đất đai ghi nhận từ khảo sát, gần 38% là tranh chấp, khiếu nại hành chính hoặc thậm chí là khiếu kiện cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan tới hỗ trợ, bồi thường di dời, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi được hỏi cụ thể về tình huống giả định về di dời và tái định cư, bất chấp khả năng phải tranh đấu với chủ đầu tư và chính quyền thì đa số người dân  trả lời là họ không chấp nhận (mức đền bù chỉ bằng một phần mười giá thị trường) và tiếp tục yêu cầu mức bồi thường hợp lý hơn. Một số người thậm chí chia sẻ là họ không biết phải làm gì.

Những con số này cung cấp thêm các bằng chứng xác thực đâu là nguồn cơn của tranh chấp, bất ổn về đất đai liên quan đến mối quan hệ công – tư. Như vậy các quy định liên quan trong Hiến pháp và Luật đất đai nên được thiết kế theo hướng nào để giảm thiểu rủi ro xảy ra những tranh chấp, bất ổn.

Cũng như thế, con số 62% còn lại là các tranh chấp dân sự về đất giáp ranh với hàng xóm, thừa kế, mua bán nhà/đất, và các vấn đề khác cho thấy, dường như đất đai nhiều phần là cái gì đó thuộc về đời sống “tư”, chứ không phải “công”.

Cho dù Hiến pháp mà có quy định đất đai “thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu” thì trong tâm thức người dân khi giao dịch pháp lý hàng ngày với nhau, đất đai vẫn là “của tôi”, “của anh”, “của nó”…, chứ không phải “của toàn dân”.

Vậy thì phải chăng bên cạnh những loại đất vẫn thuộc của công, cũng nên nghĩ đến một số loại đất như đất ở thuộc sở hữu tư nhân? Và nếu có dự án của tư nhân mà cần có đất, thì cũng để cho hai bên thương lượng thuận mua, vừa bán, chứ Nhà nước không cần và càng không nên can thiệp vào.

  • Nguyên Lâm

(Còn nữa)

http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2013/11/04/tranh-nguy-co-khoa-cac-quyen-hien-dinh/

 

Bản tuyên bố mới nhất về Hiến pháp Việt Nam

Gia Minh
2013-11-03
dissent-priest
LM Phê-Rô Phan Văn Lợi

Courtesy photo 8406victoria.blogspot

Bình mới, rượu cũ: 5 độc quyền và ưu quyền

Gia Minh: Qua những diễn tiến từ đầu năm đến nay, linh mục thấy việc lắng nghe góp ý của những tầng lớp quan tâm đến vấn đề sửa đổi hiến pháp dường như không có dấu chỉ tích cực gì, vậy sao Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền vẫn tiếp tục có ý kiến?

Linh mục Phê rô Phan Văn Lợi: Bởi vì chúng tôi nhận thấy rằng khi so sánh bản dự thảo cuối cùng mà quốc hội đưa ra hôm 22 tháng 10 với bản dự thảo đầu tiên, theo chúng tôi nhận thấy không có gì thay đổi về cơ bản. Nên chúng tôi thấy cần lên tiếng một lần nữa cùng với những tiếng nói khác ; không phải để Nhà nước nghe cho bằng để dân chúng thấy được rằng nhà cầm quyền, quốc hội đã bác bỏ tất cả mọi ý kiến; đồng thời cũng để cảnh báo với người dân nhà cầm quyền của Đảng cộng sản đã quyết tâm ra một hiến pháp phi dân chủ, chống lại nhân quyền và hoàn toàn không hợp lòng dân.

Gia Minh: Trong tuyên bố của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền có 5 điều phản đối và 3 điều kêu gọi, xin linh mục giải thích vì sao lại nêu ra những điều phản đối và kêu gọi như thế?

Linh mục Phê rô Phan Văn Lợi: Chúng tôi thấy rằng trong dự thảo mới nhất mà có lẽ họ sẽ chấp nhận, trong đó có 120 điều, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chỉ có 5 nội dung chính. Năm nội dung đó để chỉ có lợi cho đảng mà thôi. Năm điều đó chúng tôi gọi là ưu quyền và độc quyền.

Hai ưu quyền: một là về chủ thuyết Mác- Lê nin để khống chế tư tưởng của người ta; thứ hai là ưu quyền về kinh tế để có lợi cho Nhà nước, có lợi cho Đảng mà thiệt hại cho nền kinh tế của tư nhân và của người dân nói chung.

Chúng tôi nêu ra 3 độc quyền của đảng Cộng sản: thứ nhất là độc quyền về chính trị tức độc quyền cai trị đất nước để không cho bất cứ một đảng phái nào có thể cùng ra tranh cử, hoặc thay thế để điều khiển quốc gia. Rồi độc quyền về tài nguyên: đảng Cộng sản, Nhà nước muốn nắm độc quyền về mọi tài nguyên, đất đai để có thể sử dụng như ý, đồng thời có phương tiện để bảo vệ quyền lực, để trang trải cho các lực lượng đàn áp, khống chế người dân phải sống trong tình trạng sợ sệt Nhà nước. Thứ ba độc quyền về công lực, tức trong hiến pháp này, Nhà nước lần đầu tiên- trong Hiến pháp 1992 không có, yêu cầu quân đội và công an trung thành tuyệt đối với Đảng. Mặc dù trước chữ đảng, có chữ Tổ quốc và Nhân dân; nhưng chủ yếu họ muốn quân đội và công an phải là một lực lượng sẵn sàng nghe theo ý của Đảng; mà ý đảng này dĩ nhiên không phải vì ích nước lợi dân gì cả mà chỉ để bảo vệ đảng mà thôi. Điều này chúng ta đã thấy qua rất nhiều diễn biến đàn áp người dân, đàn áp những lực lượng biểu tình,hoặc dân oan khiếu kiện từ mấy năm nay rồi.

Chúng tôi nêu lên 5 độc quyền và ưu quyền đó để thấy rõ bản chất Hiến pháp Việt Nam không có dành cho quyền con người. Mặc dù trong Hiến pháp đó có chương 2 dành nói về quyền con người, nhưng quyền con người đó bị đè bẹp dưới độc quyền và ưu quyền của đảng cộng sản. Quyền con người được họ nêu ra chỉ là quyền xin-cho mà thôi.

Cuối cùng chúng tôi đưa ra ba lời kêu gọi: thứ nhất đảng cộng sản hãy sáng suốt, hãy phục thiện nếu không họ sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát như chính họ đã từng dùng kiểu nói đó, và cũng như họ đã thấy ở Đông Âu với các đảng cộng sản khác vì đi ngược lại với xu thế của thời đại, đi ngược lại lòng dân, đi ngược lại đường hướng của lịch sử.

Do đó chúng tôi kêu gọi Quốc hội nhân cơ hội này ý thức trách nhiệm đối với toàn dân trước lịch sử để làm ra một bản hiến pháp thực sự như ý của người dân muốn, như ý kiến rất tiến bộ của các tầng lớp nhân dân, của các tổ chức trong đời cũng như trong đạo.

Cuối cùng chúng tôi mong đợi để có thể tác động lên Hiến pháp này cách hữu hiệu nhất chỉ có cách toàn dân phải biểu tình, xuống đường biểu tình hằng trăm ngàn người, hằng triệu người như người ta đã làm tại bên Đông Âu, bên Trung Đông mới đây. Lúc đó nhà cầm quyền mới chùn bước để mà nghe tiếng của người dân.

Bản cáo trạng đanh thép

Gia Minh: Sau khi đưa ra thêm một Tuyên bố về Hiến pháp Việt Nam như thế từ cuối tháng 10 đến nay chưa được một tuần, Nhóm của Linh mục có nhận được những ý kiến chia sẻ, phản hồi thế nào?

Linh mục Phê rô Phan Văn Lợi: Trước hết chúng tôi thấy bản lên tiếng này được truyền đi, truyền lại trên mạng rất nhiều; thứ hai chúng tôi thấy những trang mạng lới như Dân Làm Báo có đăng và phản hồi trên trang này đối với tuyên bố nói chung là phản hồi tích cực. Có người gọi đây là bản cáo trạng đanh thép đối với nhà cầm quyền của đảng cộng sản. Chúng tôi cũng mong muốn bản lên tiếng của chúng tôi đóng góp thêm vào những tiếng nói trước đây để nhà cầm quyền cộng sản biết rằng đây thực sự là ý kiến của người dân. Và người dân cũng biết rằng đã có những thành phần lên tiếng nói và bây giờ người dân cố gắng để hợp giọng và đồng thời có những hành động tích cực của quần chúng để làm cho Hiến pháp đúng nghĩa được hình thành tại Việt Nam.

Gia Minh: Chân thành cám ơn linh mục về cuộc nói chuyện vừa rồi.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-latest-statement-about-vietnam-consitution-amendment-11032013110726.html

Sao cứ phải là chủ đạo?

Chủ Nhật, 03/11/2013 08:08 (GMT+7)

 

Trong dòng thời sự gần đây, các câu chuyện liên quan đến doanh nghiệp nhà nước như vụ tham nhũng hàng chục tỉ đồng và gây thiệt hại đến hàng trăm tỉ ở Vinalines, hay vụ gây thất thoát tài sản lên đến 500 tỉ đồng tại Công ty cho thuê Tài chính II, còn trước đó là việc Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay cho Vinashin hàng trăm triệu đôla Mỹ đã khiến rất nhiều người dân, nhất là những người nghèo, cảm thấy xót xa.

Đọc E-paper

Quan trọng hơn là cảm giác ấy có thể trở thành sự chán chường, khi mà bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, vốn đang được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, được bấm nút thông qua mà vẫn giữ quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo (tại khoản 1, Điều 51 của dự thảo).

Quốc doanh như Vinashin liệu có làm chủ đạo được không? Trong ảnh: Một góc nhà máy đóng tàu Vinashin

Báo Vneconomy ngày 24/10 tường thuật, khi tham gia thảo luận tại tổ Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng với phương châm cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa. Còn những gì chưa rõ, chưa chín, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn mà ý kiến còn khác nhau thì chưa nên sửa, chưa nên đưa vào.Trên quan điểm này thì quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo cần phải được xem lại và cân nhắc kỹ hơn.

Tại cuộc họp báo ngay trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã giải thích: ”Đương nhiên là kinh tế nhà nước phải chủ đạo. Không thể giao kinh tế tư nhân làm chủ đạo.

Nếu kinh tế nhà nước không chủ đạo thì ai lo công tác đảm bảo an sinh xã hội? Còn các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau, không phân biệt đâu là doanh nghiệp tư nhân, đâu là doanh nghiệp nhà nước, đâu là doanh
nghiệp nước ngoài”.

Thực ra cho đến nay, người viết chưa tìm thấy văn bản pháp luật nào quy định về khái niệm kinh tế nhà nước, chỉ được nghe một số chuyên gia kinh tế giải thích rằng kinh tế nhà nước bao gồm các hoạt động của ngân sách nhà nước, các quỹ có nguồn gốc ngân sách, đất đai, tài nguyên và chủ yếu là hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Trong các cuộc thảo luận tổ, một số đại biểu Quốc hội đồng thời là chuyên gia kinh tế cũng cho rằng không nên nhầm lẫn kinh tế nhà nước với DNNN.

Cách giải thích như trên dường như chưa ổn, bởi DNNN là một thành phần của kinh tế nhà nước, vì thế một khi hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì người dân cũng đương nhiên hiểu rằng DNNN cũng đóng vai trò chủ đạo.

Còn nếu không muốn có sự nhầm lẫn như lo ngại nêu trên, đồng thời để khẳng định mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, có lẽ trong dự thảo nên ghi rõ “kinh tế nhà nước, chứ không phải DNNN, giữ vai trò chủ đạo”.

Thiết nghĩ, trong những năm qua, thực tiễn đã chứng minh DNNN chưa từng, và trong tương lai, sẽ không thể nào đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Đã có rất nhiều chuyên gia phân tích về điều này, tại các diễn đàn, trên báo chí, có lẽ không cần lặp lại ở đây.

Tuy nhiên, có một điều rất đáng lưu ý là trong bản góp ý cho dự thảo Hiến pháp, đa số thành viên Chính phủ đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp lần đầu – là bản dự thảo mà trong đó không hề có cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

Điều này cho thấy chính những người gắn bó trực tiếp, quản lý khu vực doanh nghiệp này, cũng thừa nhận là DNNN không nên và cũng không thể giữ vai trò chủ đạo.

Và như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói thì “cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và tạo được sự thống nhất cao thì chúng ta sửa”, vậy thì dự thảo Hiến pháp cũng nên loại bỏ quy định gây nhiều tranh cãi này.

Quay trở lại với lời giải thích của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nếu kinh tế nhà nước không chủ đạo thì ai lo công tác đảm bảo an sinh xã hội. Thật vậy sao? Dù ở bất kỳ một đất nước nào, không phân biệt chế độ chính trị xã hội, một trong những chức năng chính của nhà nước là chăm lo công tác an sinh xã hội.

Ở những nước phát triển, DNNN đâu có chủ đạo mà các chế độ phúc lợi xã hội vẫn được thực hiện tốt đấy thôi. Đó chính là nhờ nhà nước đã sử dụng hiệu quả các công cụ có trong tay như tiền thuế, các quỹ xã hội… để tái phân phối thu nhập cho các thành viên trong xã hội, đảm bảo sự công bằng tương đối cũng như làm tốt chính sách an sinh.

Có lẽ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhận thấy sự nhầm lẫn trong nhận thức về vấn đề này nên trong bài phát biểu hôm khai mạc Quốc hội (ngày 21/10), ông có nói:

”Nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sử dụng đất đai, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu… chưa tạo được đột phá để huy động mạnh mọi nguồn lực cho phát triển”.

Thực ra, việc quy định ai là chủ đạo không quan trọng, mà điều gây phản đối trong dư luận là cách thức để tạo ra vị trí chủ đạo đó, vì việc này liên quan đến chuyện phân bổ nguồn lực quốc gia vốn còn rất hạn hẹp.

Từ trước đến nay, khu vực DNNN đã được hưởng rất nhiều ưu đãi từ các cơ quan nhà nước như chính sách, cơ chế, đất đai, nhà xưởng, tiếp cận vốn, lãi suất… để đóng vai trò chủ lực nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng với nguồn lực mà họ được hưởng và ngày càng sa sút, đặc biệt là nếu so với khu vực tư nhân (tính cả FDI).

QUẾ THANH/DNSGCT

http://www.doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2013/11/1077703/sao-cu-phai-la-chu-dao/

Tham nhũng màu hồng và bàn tay rửa sạch

Phạm Chí Dũng gửi RFA từ Việt Nam
2013-11-03

Một người nước ngoài xin kín tên kể lại rằng cứ đều đặn mỗi năm một lần, ông được mời dự những cuộc hội thảo sang trọng về chống tham nhũng hoặc bàn về giải pháp chống nạn hối lộ ở Việt Nam. Rồi cứ sau mỗi lần kết thúc hội thảo, ông lại lặng lẽ vào xe hơi, lấy khan mù xoa chà xát lòng bàn tay. Còn khi về nhà, ông vội rửa sạch bàn tay ấy bằng ít nhất hai lớp xà bông.

Đó là bàn tay được dùng để bắt tay những quan chức Việt Nam đến dự cuộc hội thảo, giống như ông.

Nhưng khác hẳn ông, không ai dám chắc bàn tay những quan chức người Việt ấy đã chưa từng vấy bẩn bởi đồng tiền hối lộ.

Khó có thể diễn tả về cảm giác của người nước ngoài đó. Nheo mắt và cả nhăn mũi, cứ như ông đang phải đứng quá gần với một cái xác chuột bị xe cán be bét máu nằm lộ thiên ngoài đường phố – cảnh tượng đã trở thành “món ăn” thường ngày ở ít nhất hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn.

Ăn như rồng cuốn…

Cuối tháng 10/2013. Mùa thu Hà Nội. Năm nay, một lần nữa cuộc hội thảo về chống tham nhũng được tổ chức. Nhưng lần này, cái tên của hội thảo được cách điệu khá nhiều so với những năm trước: “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, hướng tới thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam”. Những cơ quan Việt Nam chịu trách nhiệm chính đạo diễn cuộc hội thảo này là Thanh tra chính phủ và Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Gần như quy luật, luôn có mặt ít nhất một “nhà tài trợ” nào đó của quốc tế. Lần này, đó là Đại sứ quán Anh quốc.

Cuộc hội thảo này lại diễn ra trùng với bầu không khí “thảo luận nghiêm túc” của Quốc hội Việt Nam về những “cơ hội và thách thức” mà nền kinh tế quốc gia và xã hội nước nhà đang phải đối mặt. Nhưng khác với không khí thỏa hiệp trong những kỳ họp quốc hội trước đây, vào lần này một số đại biểu quốc hội đã can đảm hơn khi ẩn dụ về một bức tranh theo trường phái dã thú: báo cáo kinh tế – xã hội của Chính phủ màu hồng, cách nhìn của quốc hội là màu xám, trong khi nhân dân chỉ nhận ra màu tối.

Thế còn bức tranh tham nhũng màu gì?

Như một thông lệ, thực trạng tham nhũng đã trở nên quá tồi tệ luôn không được phản ánh đủ sâu bởi các cơ quan chức năng Việt Nam – một quốc gia nằm gần sát đáy thế giới về tính minh bạch, mà lại do các doanh nghiệp – nạn nhân của nạn nhũng nhiễu, và từ giới chuyên gia quốc tế – những người được xem là sạch sẽ hơn rất nhiều lần giới quan chức tham nhũng bản địa.

“Tham nhũng ở Việt Nam đang nằm trong vòng luẩn quẩn” – như một ngụ ý của ông Soren Davidsen, chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB), tại cuộc hội thảo.

Vòng luẩn quẩn đó, theo ông Davidsen, là hành vi công chức nhà nước gây khó dễ khiến doanh nghiệp và người dân phát sinh động cơ đưa hối lộ, sau đó khó khăn được giải quyết khiến công chức có động cơ để tiếp tục chu trình gây khó dễ.

Ông Davidsen cho biết 63% doanh nghiệp phải trả các khoản phí không chính thức nhằm tạo ra cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng; 63% doanh nghiệp nói công chức cố tình kéo dài thời gian xử lý để gây khó dễ; 79% công chức đổ lỗi cho lương thấp là động cơ để tham nhũng…

Đặc biệt, 75% doanh nghiệp hối lộ dù không bị gợi ý.

Còn số liệu từ ông Trần Đức Lượng, Phó tổng thanh tra chính phủ Việt Nam, lại thấp hơn một chút: 70% số trường hợp đưa hối lộ là do doanh nghiệp chủ động thực hiện; chỉ có 30% số trường hợp doanh nghiệp đưa hối lộ là do công chức gợi ý, nhũng nhiễu.

Đến lúc này, một tờ báo Việt Nam đã phải mỉa mai: nếu các nghiên cứu trước đây và kể cả dư luận xã hội chủ yếu cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, thì nay đã rõ hơn khi doanh nghiệp sẵn sàng thỏa hiệp với các tệ nạn, dùng tiền bạc hối lộ để tìm lợi thế trong kinh doanh, giành hợp đồng, hoặc đơn giản “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” để phòng ngừa phiền hà, nhũng nhiễu có thể sẽ xảy ra nơi cửa công.

Thậm chí, những người nước ngoài còn thấm nhuần cả câu tục ngữ Việt Nam “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”.

5 tội đồ đặc biệt tham nhũng

Một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần từ quá nhiều năm qua, cuộc hội thảo trên đã “phát hiện” ra nạn tham nhũng vặt đang trở nên lan tràn ở Việt Nam khi có tới 80% số cán bộ nhân viên trong các doanh nghiệp cho rằng hiện tượng này là “rất phổ biến”.

Đã từ rất lâu, tham nhũng vặt được hiểu đơn giản là việc doanh nghiệp phải chi các khoản tiền hối lộ nhỏ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ công chức hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Cũng là số liệu được nêu ra từ ông Davidsen: nếu như năm 2005, 56% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết công việc, thì năm 2012 tăng lên tới 67%; đối với chuyện giải thích không rõ để cố tình bắt lỗi doanh nghiệp, năm 2005 khoảng 45% thì năm 2012 tăng lên 66%; đối với chuyện bám vào các quy định không chặt chẽ để bắt bí doanh nghiệp thì năm 2005 khoảng 39%, năm 2012 tăng lên 54%; còn đưa thông tin hù dọa gây sức ép tăng từ 16% lên 23% vào năm 2012…

Một cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp vào năm 2012 đã cho thấy đa số các ý kiến trả lời cho rằng, cán bộ công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, không giải thích rõ quy trình để bắt lỗi doanh nghiệp, cố tình đặt ra các quy trình sai quy định để gây nhũng nhiễu.

Có tới 81% doanh nghiệp cho rằng, tham nhũng vặt gây lãng phí thời gian, tăng chi phí và gây tâm lý bức xúc cho họ.

“Chứng tỏ doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của tham nhũng”- Phó tổng thanh tra Trần Đức Lượng trần tình như một lời an ủi. Tình cảm vấn an này cũng rất phù hợp với tên gọi của cuộc hội thảo. Quan chức Việt Nam dường như đồng lòng đá quả bóng về phía các doanh nghiệp cùng xứ, trong khi giới chức điều hành bộ ngành tỏ ra “vô can”.

Thanh tra chính phủ cũng là một trong những cơ quan bị công luận và người dân chỉ trích nhiều nhất, bởi trong nhiều năm qua cơ quan này đã rất ít khi “phát hiện tham nhũng”.

Ngược lại, dẫn số liệu từ khảo sát tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức do Thanh tra Chính phủ và WB công bố vào năm ngoái, ông Davidsen kết luận: từ năm 2005 đến năm 2012, tình trạng tham nhũng của công chức không được cải thiện mà ngày càng tệ hại hơn.

Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, còn nêu ra một kết luận chi tiết hơn: “Các ngành, lĩnh vực tham nhũng nhất theo góc nhìn của doanh nghiệp gồm: cảnh sát giao thông; quản lý đất đai; xây dựng; hải quan; y tế và thuế…”.

Kết luận trên được dựa theo khảo sát 2012, tuy được xem là một “phát hiện”, nhưng thật ra hoàn toàn không mới nếu đối chiếu với vô số điềm chỉ và nguyền rủa tham nhũng từ người dân và báo chí trong những năm qua.

Trong số nguyền rủa đó, tất nhiên có cả giới đầu tư nước ngoài – những người không dám lên tiếng, song không ít ý kiến cho rằng tham nhũng vặt chiếm đến ít nhất 40% lý do giới này không còn tha thiết gì với môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Bàn tay nào?

Vẫn như thông lệ, các cuộc hội thảo về phòng chống tham nhũng không nêu ra một địa chỉ cụ thể nào. Trong khi đó, dư luận xã hội Việt Nam đang dậy lên 10 vụ đại án, trong đó có vụ khủng khiếp như Tập đoàn tàu thủy Vinalines.

Trước đó, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin cũng đã trở thành tai họa cho dân nghèo Việt Nam với số nợ lên đến ít nhất 80.000 tỷ đồng, đủ xây dựng 214.000 phòng học hoặc 53.000 trạm xá xã…

Còn trước đó nữa, không ai có thể lãng quên những vụ tham nhũng chấn động liên quan trực tiếp đến viện trợ ODA như PMU 18, Đại lộ Đông – Tây. Những vụ việc này đều có số “lại quả” ít nhất 10% giá trị hợp đồng.

Gần đây, người ta mới công bố một phát hiện về tỷ lệ nâng khống đến mức trí não bình thường của con người khó mà tưởng tượng: từ việc mua lại thiết bị lặn với giá 100 triệu đồng, Tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng Agribank) Vũ Quốc Hảo đã cùng các tòng phạm “thổi” giá lên thành 130 tỉ đồng, tức gấp đến 1.300 lần, để chia chác nhau…

Cuối cùng và vẫn là câu hỏi vĩnh viễn: làm thế nào để hạn chế tham nhũng?

Một quan chức của VCCI – ông Nguyễn Quang Vinh – nêu ra ý kiến: Chỉ khi bàn tay doanh nghiệp – bàn tay Chính phủ cùng hòa nhịp thì phòng chống tham nhũng mới hy vọng chuyển biến.

Bàn tay nào?

Đến giờ này, quá nhiều câu chữ khôn lanh cùng thói vặt vãnh đã biến bức tranh tham nhũng thành màu hồng chuyên, mô tả cho cái bắt tay giữa các doanh nghiệp với cơ quan công quyền để cùng đẩy bộ máy điều hành Việt Nam xuống tiệm cận với đáy minh bạch của thế giới.

Hay phải ngộ về cái bắt tay của vị khách nước ngoài với các quan chức người Việt mà sau khi về nhà ông đã phải chà xát ít nhất hai lần bằng xà bông?

Phạm Chí Dũng, Việt Nam 03-11-2013

*RFA: Nội dung bài viết này không phản ảnh quan điểm của RFA

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/red-corruption-and-clean-hands-11032013130940.html

04/11/2013

Kênh Quan Chánh Bố: Thư PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận gửi ĐBQH Võ Thị Dung

Kinhtebien online: Năm 1990, Viện Cơ học, Phòng Cơ học Biển do PTS Hoàng Xuân Nhuận thực hiện “Nghiên cứu chế độ khí tượng hải văn và đặc điểm thủy thạch động lực khu vực cửa Định An phục vụ thiết kế luồng chạy tàu”. Tài liệu của Nhóm Hoàng Xuân Nhuận là một tài liệu đầu tiên mô tả rõ hiện tượng động của luồng Định An. Tiếc rằng các thế hệ nghiên cứu sau đã không tìm ra nguyên nhân hiện tượng động của luồng Định An mà đã quyết định mở kênh Quan Chánh Bố.

Kinhtebien online xin giới thiệu toàn văn bức thư của PGS-TS Hoàng Xuân Nhuận.

Hà Nội ngày 30/10/2013

Kính gửi: Bà Võ Thị Dung, đại biểu Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh

Tôi là PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy viên chấp hành Hội Cảng đường thủy và thềm lục địa VN, CMT nhân dân số 011336702, CA Hà Nội cấp ngày 20/10/2004, hiện trú tại số 17, lô 3A, ĐTM Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại: 0988455058, Email: hoangxn@gmail.com .

Sau khi đọc báo Đại đoàn kết ngày 29/10/2013 có bài “Tăng bội chi để đầu tư cho các dự án dang dở…”, tôi quyết định viết thư này để ủng hộ ý kiến của bà về việc cần làm rõ những địa chỉ chịu trách nhiệm về dự án vận tải biển vào sông Hậu (Dự án kênh tắt Quan Chánh Bố (QCB) cho tàu trọng tải lớn).

Với tư cách là một công dân và một chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm về xây dựng cơ sở khoa học nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận hàng hải cho vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, đã nhiều lần tham gia hội thảo liên quan đến “Dự án kênh tắt QCB”, tôi thấy mình có trách nhiệm trình bày với bà những khuyến nghị như sau:

Vào thời điểm nghiên cứu lập dự án (cuối thập niên 1990), chúng ta chưa có dữ liệu điều tra cơ bản đồng bộ, chưa có hệ thống phương pháp luận và quy phạm nghiên cứu đã được kiểm chứng qua thực tiễn và đủ cơ sở pháp lý pháp lý để lập luận chứng khoa học cho các dự án hàng hải tại những vùng bờ biển bùn với lưu lượng rắn lớn và nước biển phân tầng mạnh. Trong tương lai từ 5 đến 10 năm tới, vẫn chưa thể hoàn thành một cách bài bản nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển các phương pháp bán thực nghiệm và mô phỏng toán học phục vụ lập luận chứng khoa học kỹ thuật để đưa tàu biển trọng tải lớn đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù nhiệm vụ mô phỏng toán học trong “Dự án kênh tắt QCB” do các chuyên gia Đan Mạch đảm nhận, tuy nhiên trong việc xây dựng, điều chỉnh mô hình và tiến hành mô phỏng còn rất nhiều thiếu sót. Xin nêu ra hai khiếm khuyết nổi cộm nhất: 1) Không có bất cứ chuyên gia nào có kinh nghiệm về nghiên cứu hệ thống sông Mekong, một con sông có lưu vực khổng lồ (khoảng 795.000 km² từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam) và lưu lượng phù sa vào loại lớn nhất thế giới và 2) Họ và công ty của họ không bị ràng buộc bởi bất cứ trách nhiệm pháp lý hoặc tài chính nào nếu kết quả nghiên cứu có sai sót.

Với hiện trạng nghiên cứu như đã nêu tại các mục 1 và 2, việc kiến nghị Chính phủ đầu tư duy ý chí để tiếp tục thực hiện “Dự án kênh tắt QCB” là hành động vô trách nhiệm về mặt khoa học công nghệ và phiêu lưu về mặt quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải và các công ty tư vấn cảng và đường thủy. Ngay từ giai đoạn lập dự án khả thi, nhiều chuyên gia, trong số đó có tôi, đã thẳng thắn phát biểu và bảo lưu ý kiến không đồng tình. Bởi vì để đối mặt với với lượng phù sa tiềm tàng như đã nêu, kinh phí thực tế để xử lý hiện tượng tái bồi trong quá trình thi công và để nạo vét duy tu trong quá trình khai thác có khả năng vượt xa kinh phí dự tính. Không chỉ vậy những nguy cơ tác động môi trường trên diện rộng được xem là nhỡn tiền nhưng chưa được đánh giá khách quan bao gồm: Sạt lở bờ kênh trên diện rộng, xâm nhập mặn gia tăng, biến động bất lợi của cửa Định An, thậm chí sông Hậu có thể chuyển dòng chảy chính sang kênh tắt QCB.

Bằng việc từ chối tài trợ cho “Dự án kênh tắt QCB” thiển nghĩ Ngân hàng Thế giới WB đã cố gắng hoàn thành tốt nhất bổn phận của mình, đó cũng là cảnh báo kịp thời cho Chính phủ về thực trạng xây dựng cơ sở khoa học và những nguy cơ mà tôi đã trình bày thẳng thắn và có trách nhiệm trong các mục từ 1 đến 3.

Cuối cùng, là con trai GS. Hoàng Xuân Nhị, cố Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp, là cháu của liệt sĩ Hồ Hảo Hớn và có quê ngoại là xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, Bến Tre, vì thế dù ở bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì, tôi vẫn luôn hướng về miền Tây với những tình cảm và hy vọng tha thiết nhất. Bởi vậy, tôi muốn kết thúc lá thư gửi bà – một đại biểu Quốc hội của TP Hồ Chí Minh, bằng một đề xuất ngoài tầm trách nhiệm của một chuyên gia khoa học, đó là: Chiến lược phát triển kinh tế vùng và hệ thống đô thị của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được định hình từ cách đây gần 20 năm, vì vậy đã đến lúc cần được điều chỉnh một cách quyết liệt trên cơ sở đánh giá khách quan hiện trạng, cơ hội mới và nguy cơ mới với sự vận dụng những thành tựu tiên tiến của thế giới trong các lãnh vực: giảm nhẹ tác động thiên tai, phát triển kinh tế địa phương, phát triển đô thị nói chung và thành phố cảng nói riêng.

Lá thư này chỉ trình bày cô đọng những khuyến nghị độc lập của một chuyên gia, thiển nghĩ bà nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia khác và một khi đã có đủ thông tin xác tín, đề nghị bà, với trọng trách và thẩm quyền của mình, yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải trình theo đúng quy định hiện hành của Quốc hội.

Kính gửi bà lời chào trân trọng.

PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận

Nguồn: kinhtebien.vn

http://boxitvn.blogspot.com/2013/11/kenh-quan-chanh-bo-thu-pgs-ts-hoang.html