Thẻ

, ,

+ Hồng Ánh (thực hiện) Vụ 5 công an dùng nhục hình: “Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực”
+Nguyễn Văn Tuấn – Tại sao người ta trở nên ác ôn? Phap Luat
Phạm Minh Hoàng – Viết về một người bạn vừa ra đi
Nguoibuongio Ân xá hay rũ bỏ trách nhiệm? Nguyễn Văn Thạnh – Công an chống “phản động” – tế bào ung độc trên cơ thể mẹ Việt Nam

Nguyễn Quang Vinh Về vụ xét xử đang tai tiếng ở Tuy Hòa ( Phú Yên): PHẢI LÀM RÕ BẢN CHẤT VỤ ÁN TRƯỚC KHI BÀN TỚI NHỮNG ĐIỀU KHÁC.

1.
Vụ án 5 công an được cho là ” dùng nhục hình” làm chết nghi can Ngô Thanh Kiều, cần phải xác định và đã đủ căn cứ xác định 2 tội danh thôi: Bắt người trái pháp luật và tội giết người. Việc xử tội dùng nhục hình như đã làm là sai tội vì vụ án chưa khởi tố mà ra lệnh bắt, đánh chết nghi can thì đó là hành động giết người, rõ ra như thế.

2.

Hai tội danh đó quy vào cho 2 nhóm tội phạm, tội danh Bắt người trái pháp luật chính là nhóm chỉ huy do ông Hoàn Phó công an Tuy Hòa là đầu vụ. Tội danh giết người thuộc về nhóm 5 công an như đã xử ( nếu không phát sinh thêm bị can mới).
3.
Từ hai nhóm tội danh đó, bắt buộc phải điều tra lại từ đầu và xét xử lại. Và tất nhiên, ông Hoàn phó công an Tuy Hòa cùng một số cộng sự bắt buộc phải khởi tố, truy tố ông này.
4.
Trả lời của ông Lương Quang, Chánh án Tòa Tuy Hòa với báo chí đã bộc lộ rõ mấy điểm: Một là vụ án có can thiệp của cấp nào đó, ai đó để ép tòa xử theo chỉ đạo chứ không phải xử theo chứng cứ; hai, cái câu nói, tòa đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhưng người ta không làm thì tòa chỉ xử trên những gì Viện kiểm sát kết tội, không “ôm rơm nặng bụng” là lối làm việc vô cảm, thiếu trách nhiệm và góp phần làm méo mó thêm bản chất vụ án. Một chánh án mà nhận định việc 5 công an giết nghi can là” tai nạn nghề nghiệp” thì ông chánh án này tốt nhất nên đuổi về để khỏi tiếp tục chỉ đạo gây thêm nhiều hậu quả xét xử của các vụ án sau…
(Đọc thêm: http://nld.com.vn/phap-luat/vu-5-cong-an-dung-nhuc-hinh-chung-toi-chiu-rat-nhieu-ap-luc-2014040422282031.htm)
5.
Đây là vụ án điểm vì nó chà đạp pháp luật một cách trắng trợn, phải lật lại toàn bộ vụ việc một cách nghiêm túc, phải xử nghiêm, xử hết tất cả những kẻ tội phạm gây ra chết người và xử lý cả những người đang thực thi pháp luật ở đây để làm gương cho nơi khác.
Né tránh, hời hợt, o bế nhau mà không làm tới nơi tới chốn, không xác định lại cho đúng bản chất vụ án, không khởi tố, truy tố hết những kẻ phạm tội thì chắc chắn đó là hành vi đồng lõa với tội ác, chà đạp pháp luật, coi thường sinh mạng nhân dân, trở nên lố bịch khi nói về sự nghiêm minh của pháp luật và của việc xét xử.
(Đọc thêm: http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/169000/vu-xu-5-cong-an–khong-co-toi–dung-nhuc-hinh-.html)
http://cuvinhkhoailang.blogspot.co.uk/2014/04/phai-lam-ro-ban-chat-vu-truoc-khi-ban.html

Hồng Ánh (thực hiện) Vụ 5 công an dùng nhục hình: “Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực”

KD: Câu trả lời của ông Chánh án Tòa án ND t/p Tuy Hòa (Phú Yên) là sự đá bóng trách nhiệm, và cũng cho thấy pháp luật trong xã hội ta đang đứng ở đâu.

Áp lực tinh thần từ trên xuống dưới, hay có cả áp luật… gì gì nữa?

Một phiên tòa đặt ra bao nhiêu câu hỏi. Và một phiên tòa thêm mất niềm tin của người dân vào cái gọi là “nghiêm minh” của pháp luật

———–
Ông Lương Quang: Ông Lương Quang – Chánh án TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên – đã cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động về vụ án 5 công an dùng nhục hình gây phẫn nộ trong dư luận

* Phóng viên: Ông nghĩ sao về bản án mà TAND TP Tuy Hòa vừa tuyên vào chiều 3-4?

– Khi HĐXX tuyên án, gia đình người bị hại có phản ứng, la ó không đồng tình, nhất là phần bồi thường dân sự. Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng có vẻ không đồng tình. Dư luận đa chiều, chỗ nói nhẹ, chỗ bảo xử vậy là vừa. Vụ án này hết sức phức tạp, nhạy cảm, cả trung ương cũng rất quan tâm. Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực.

* Mục tiêu của việc xét xử là ra một bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bản án này có đáp ứng được những điều đó không?

– Nghiêm minh không có nghĩa là xử nặng. Nghiêm minh là đúng pháp luật. Quan điểm tội này tội kia giữa viện và tòa, có sự ràng buộc, khống chế nhau, tòa xử trong phạm vi truy tố. Đây là vụ án được dư luận quan tâm, chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt (?).

*Vậy theo ông, bản án của vụ án 5 công an dùng nhục hình gây chấn động này có nghiêm minh?

– Tôi nói rồi, với người này thì cho là nghiêm, người kia cho là vừa, người khác lại nói nhẹ. Về dư luận, tôi thấy vụ này vậy là cũng được chứ không đến nỗi. Thật ra, tại tòa có một vài vấn đề, ví dụ bị cáo Thành khai đánh 2-3 cái mà đầu Ngô Thanh Kiều tới 11 vết thương, vậy những vết thương đó do ai gây ra? Tòa trả hồ sơ rồi mà họ đâu có làm ra. Có những cái cần nói rõ nhưng cũng có những cái không nên nói, nói càng phức tạp, rối rắm, gây ra dư luận không tốt. Cái này mình đã trả rồi mà người ta (VKSND TP Tuy Hòa – PV) không làm thì chỉ xử theo truy tố đó thôi. Ôm rơm nặng bụng.

* TAND TP Tuy Hòa đã từng trả hồ sơ để đề nghị truy tố tội “Cố ý gây thương tích” nhưng vì VKSND không đồng ý nên tòa không xử tội này. Sao không trả hồ sơ nhiều lần như quy định pháp luật để làm rõ tội danh?

– Theo nguyên tắc, nghiên cứu kỹ rồi trả một lần. Trả tối đa 2 lần, cái nào trả rồi người ta không làm thì thôi. VKSND không truy tố thì mình xử theo phạm vi truy tố của VKS, chứ chuyện gì phải căng thẳng. Có nguyên tắc là làm việc mà không hài lòng thì kiến nghị lên cấp trên để xử lý, còn cấp trên nữa mà. Vụ này nhạy cảm, xét xử có nhiều cấp, thời gian xem xét cũng lâu, nếu trả đi trả lại thì bất lợi. Với lại có trả hồ sơ cũng khó điều tra ra. 70 vết thương trên người nạn nhân, nhìn thấy kinh. Cả đám đông đấy mà hỏi ai cũng nói không biết, không nhớ gì hết. Hết sức phức tạp, làm gì được nữa?
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là người nhận mức án cao nhất (5 năm tù) trong 5 bị cáo ảnh: Hồng Ánh
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là người nhận mức án cao nhất (5 năm tù) trong 5 bị cáo ảnh: Hồng Ánh

* Không làm rõ hết, phải chăng là bỏ lọt tội phạm?

– Bỏ lọt hả? Có cái cũng đành vậy chứ. Ở đây, phải chăng mấy anh nói bỏ lọt ông Hoàn (Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa – PV)? Ông Hoàn có dấu hiệu vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế, ông này bị xử lý hành chính rồi. Mỗi hành vi vi phạm chỉ xử lý một hình thức thôi chứ. Tôi thấy ông Hoàn bị xử lý hành chính ở mức độ đó (cảnh cáo – PV) không phải là nhẹ, quá sức đau rồi.

* Ông bảo xử lý hình sự và xử lý hành chính phải chọn một, vậy vì sao hình thức xử lý nặng hơn không chọn mà chọn nhẹ hơn? Rõ ràng ông Hoàn có các dấu hiệu vi phạm luật pháp.

– Hỏi mấy ông công an chứ hỏi tôi, sao tôi trả lời? Ít ra muốn khởi tố tại tòa phải kiến nghị thu hồi quyết định kỷ luật hành chính chứ không là vi phạm pháp luật đấy.

Trong bản án đề cập ông Hoàn vi phạm bắt giữ người trái pháp luật và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng VKSND không truy tố nên tòa không xét. HĐXX vẫn có quyền khởi tố tại tòa mà?

– Do anh em cấp dưới, chứ ông Hoàn chỉ phân công, đâu phải việc gì cũng đi kiểm tra. Còn việc khởi tố tại tòa, luật quy định vậy nhưng trên thực tế tôi thấy không khả thi. Lâu nay có chuyện là cho tòa được quyền khởi tố vụ án tại tòa, tòa cũng khởi tố nhiều nhưng chẳng có vụ nào được xử lý cho có kết quả. Ở đây là mình làm cho hết trách nhiệm thôi.

* Vậy theo ông, tòa đã làm hết trách nhiệm chưa?

– Tôi thấy là đã làm hết trách nhiệm. Diễn biến vụ án còn có những việc chưa rõ nhưng trả hồ sơ mà khả năng làm không được nữa thì tôi nghĩ cũng không nên trả làm gì, kéo dài thêm thời gian, gây dư luận không tốt, làm đau khổ người khác. Cuối cùng suy nghĩ thôi, xét xử còn có phúc thẩm…

* Nói vậy chẳng phải cấp sơ thẩm “đá bóng” lên cấp phúc thẩm?

– Cấp nào sai thì kiểm điểm chết chứ. Nhưng giờ họ khai lòng vòng vậy thì làm sao tìm ra.

* Đánh chết người mà chỉ chịu từ án treo đến 5 năm tù. Ông thấy thế nào?

– Vụ này tôi thấy không nhẹ, công an mất bao nhiêu lực lượng đó là quá đau. Tôi thấy đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp. Mấy ông công an này cũng dở, không chừng đến phúc thẩm lại xì ra nữa vì mấy bị cáo so bì nhau sao cùng đánh mà người thì giam, người thì treo, người khung 3, người khung 1.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM):

Thiếu công bằng, trái luật

Theo tôi, mức án TAND TP Tuy Hòa tuyên đối với các bị cáo không tương xứng với khung hình phạt của điều luật mà VKSND TP Tuy Hòa truy tố và TAND TP Tuy Hòa xét xử; trái Bộ Luật Hình sự và nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Việc truy tố và xét xử 5 cán bộ công an về tội “Dùng nhục hình” không thuyết phục, tội “Giết người” mới chính xác. Bởi lẽ, về mặt khách quan của tội phạm, nếu dùng hung khí tác động vào những bộ phận trọng yếu của nạn nhân như vùng đầu, ngực, bụng…, luật buộc phải biết và phải nhận thức được là nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn thực hiện. Ngoài ra, việc dùng dùi cui đánh nạn nhân phải được xem là dùng hung khí nguy hiểm. Các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cũng bỏ lọt tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

Bản án TAND TP Tuy Hòa xác định ông Lê Đức Hoàn và các cán bộ công an khác có dấu hiệu phạm tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và do VKS không truy tố nên không xét. Nhận định như vậy là thiếu trách nhiệm, không thuyết phục và trái luật. Bởi lẽ, vụ án có đồng phạm và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có trách nhiệm của ông Hoàn và các cán bộ công an khác. Khái niệm “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” chỉ dùng trong trường hợp người thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả cho xã hội không lớn. Trong quá trình xét xử, tòa án xét thấy việc VKS không truy tố là bỏ lọt tội phạm thì phải trả điều tra bổ sung, nếu VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, HĐXX vẫn có thể khởi tố tại tòa nếu có đủ căn cứ xét thấy có tội phạm hoặc người phạm tội hoặc ít ra cũng cần phải yêu cầu VKS khởi tố trong bản án.

Tóm lại, bản án này cần bị hủy để điều tra, xét xử lại; các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Yên cần rút hồ sơ lên để điều tra, truy tố, xét xử để vụ án được giải quyết khách quan, công bằng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa):

Tòa tự “trói tay”

Theo dõi phiên tòa, tôi thấy nếu các yêu cầu điều tra bổ sung được thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật thì các bị cáo và đối tượng khác sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử về các tội “Dùng nhục hình”, “Cố ý gây thương tích”, “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án phức tạp và nghiêm trọng này phải do VKSND tỉnh Phú Yên thực hành quyền công tố tại TAND tỉnh Phú Yên mới đảm bảo khách quan, đúng pháp luật.

Việc tòa cấp sơ thẩm áp dụng ngay giới hạn xét xử để “trói tay” mình, bỏ qua những tình tiết có thật đã được xét hỏi công khai tại phiên tòa để rồi phán quyết như vậy là chưa làm hết trách nhiệm mà luật tố tụng đã trao quyền cho HĐXX.

Tòa án xét xử độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật, không chạy theo dư luận nhưng cũng không nên coi thường dư luận và công luận. Một khi phán quyết của tòa án không căn cứ kết quả tranh tụng theo Hiến pháp và pháp luật thì những người tham gia tố tụng và dư luận xã hội phản ứng gay gắt là điều đương nhiên.

P.Dũng – H.Ánh

———————-
http://nld.com.vn/phap-luat/vu-5-cong-an-dung-nhuc-hinh-chung-toi-chiu-rat-nhieu-ap-luc-2014040422282031.htm

Nguyễn Văn Tuấn – Tại sao người ta trở nên ác ôn?
Theo FB Nguyễn Văn Tuấn

Thế là 5 người công an đánh chết nghi can ở Tuy Hoà bị phạt theo kiểu “vỗ vai”. Mặc cho công luận bức xúc như thế nào, hình phạt vỗ vai vẫn là sự thật. Trong bối cảnh của một nền tư pháp và luật pháp còn nhiều bất cập và chính trị hoá thì có lẽ bản án trên không làm ai ngạc nhiên. Nhưng ngạc nhiên về hành động giết người của những người “bạn dân”. Đánh một người đã là hành động bất bình thường, đánh chết người bằng nhục hình thì đó là hành động vượt ngoài nhân tính. Do đó, chẳng phải ngẫu nhiên mà có người viết trên PLTP rằng “Phải gọi đúng tên đó là hành động vô nhân tính, hành động không xứng với một con người theo nghĩa giản dị nhất của từ này.” Nhưng tại sao người ta ác ôn với nhau? Xin giới thiệu các bạn một bài tôi viết cách đây không lâu bàn về câu hỏi này.

Trước một sự việc, có lẽ chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao: tại sao những nhân viên công lực này tỏ ra tàn ác như thế? Tôi nghĩ những người cầm dùi cui, súng, hay hung khí nói chung trong tay cũng là những con người bình thường. Bình thường hiểu theo nghĩa cũng có gia đình, có cha, có mẹ, có anh chị em. Một số người chắc cũng có vợ con. Họ nghĩ gì nếu đồng nghiệp của họ ra tay đánh người thân của họ? Chắc chắn họ sẽ giận dữ và không chừng đòi trả thù. Nếu thế thì họ cũng chỉ là những con người có tình cảm, nhận thức được cái đúng, và biết căm ghét cái sai, cái ác. Vậy thì tại sao chính họ lại hành xử với người đồng hương mình như là những kẻ thù, và ra tay đánh đập một cách không nương tay, đánh để sướng tay?

Tôi nghĩ câu trả lời có lẽ nằm trong kết quả của một thí nghiệm tâm lí rất nổi tiếng vào năm 1971. Đó là thí nghiệm nhà tù Stanford (Stanford Prison Experiment). Kết quả thí nghiệm này có thể giải thích tại sao các quản giáo Mĩ hành xử một cách độc ác với các tù nhân ở trại giam Abu Ghraib. Và, theo tôi, kết quả cũng có thể giải thích tại sao những người công an tham gia cưởng chế đất đai ở Văn Giang hành xử tàn bạo với người dân.

Phương pháp và diễn tiến của thí nghiệm nhà tù Stanford có thể đọc ở đây (prisonexp.org). Một cách ngắn gọn, Giáo sư Philip Zimbardo (lúc đó là một giáo sư trẻ) tuyển chọn 24 sinh viên, và chia thành 2 nhóm một cách ngẫu nhiên: nhóm 1 gồm 12 người được giao nhiệm vụ quản giáo, và nhóm còn lại đóng vai tù nhân. Một nhà tù giả được thiết kế phía ở tầng trệt của khoa tâm lí thuộc Đại học Stanford. Quản giáo được trao toàn quyền, muốn làm gì thì làm, nhưng không được huấn luyện cách hành xử. Còn tù nhân, khi vào nhà tù, bị quản giáo khám xét, “bắt rận”, thậm chí bắt cởi truồng.

Nhưng thí nghiệm phải ngưng trước thời hạn vì những hành xử tàn bạo của quản giáo và rối loạn tâm thần của tù nhân. Thời gian thí nghiệm dự kiến là 2 tuần, nhưng đến ngày thứ 6 thì phải ngưng. Thật ra, chỉ sau một ngày rưỡi, một tù nhân có triệu chứng rối loạn cảm tính, như la khóc, tỏ ra mất bình tĩnh, và suy nghĩ bất bình thường. Tất cả tù nhân đều tỏ ra ngoan ngoãn tuân theo lệnh của quản giáo. Trong khi đó, các quản giáo càng ngày càng tỏ ra hung dữ, tàn ác, và có hành động sadistic (tức tỏ ra thích thú với những đòn tra tấn tàn ác). Đến ngày thứ năm thì gia đình của các tình nguyện viên đặt vấn đề với Gs Zimbardo, và luật sư cũng doạ sẽ kiện ra toà, thì công trình nghiên cứu phải ngưng. Phần lớn những đối tượng tham gia nghiên cứu, quản giáo cũng như tù nhân, đều tỏ ra có vấn đề về tâm lí và tâm thần sau khi tham gia thí nghiệm.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy người thường có thể trở nên ác ôn vì môi trường chứ không phải vì bẩm sinh. Con người có xu hướng tuân thủ, ngay cả sẵn sàng tuân thủ làm những việc ác ôn. Các nhà nghiên cứu diễn giải kết quả nghiên cứu rằng người bình thường có thể trở nên những kẻ ác ôn nếu được trang bị bằng một ý thức hệ hay giáo điều nào đó. Họ kết luận rằng tình huống và môi trường là nguyên nhân làm cho người tốt trở nên người ác. Kết quả nghiên cứu này không bao giờ được công bố trên một tập san khoa học nào cả, vì nhiều người chỉ ra rằng nghiên cứu có vấn đề về y đức. Không tập san nào dám công bố kết quả nếu nghiên cứu không đáp ứng những tiêu chuẩn về y đức.

Sau công trình nghiên cứu lịch sử (và có thể nói là khá “tai tiếng”) trên, Gs Zimbardo nổi tiếng trong giới tâm lí học như là người tiên phong trong việc giải thích những biến chuyển trong hành động của con người. Có người gọi ông là “evil scientist”, vì đã tạo ra một thí nghiệm để “chứng minh” rằng con người bình thường có thể trở nên ác ôn, và cái ác có thể thắng cái thiện nếu được trang bị bằng một ý thức hệ. Sau này, ông còn được Quốc hội Mĩ mời để điều trần về những bạo loạn trong nhà tù. Những hành động tàn ác với tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib cũng có thể giải thích qua kết quả thí nghiệm của Zimbardo.

Quay lại sự việc các cán bộ công an Tuy Hoà hành xử tàn ác với người dân, tôi nghĩ cũng có thể giải thích qua kết quả thí nghiệm tâm lí của Gs Zimbardo. Những người công an này cũng như bất cứ ai trong chúng ta (tức cũng biết phải trái, nhận thức được cái đúng cái sai), nhưng theo Zimbardo, vì ở trong môi trường giáo điều và được trang bị bằng ý thức hệ địch – ta, nên họ nhìn người dân mất đất như là những kẻ thù, và tự họ biến thành những người ác ôn mà có lẽ chính họ cũng không nhận ra ngay lúc vung tay hành hung người khác. Nói cách khác, những người công an này bị “phơi nhiễm” (exposed) bởi những giáo điều độc hại nào đó, nên cái ác thắng thế cái thiện và dẫn đến những hành động mà chúng ta thấy trong các clip video mang tính lịch sử.

Trong những năm cuối đời, Zimbardo cố gắng làm một thí nghiệm khác có ý nghĩa tích cực hơn. Ông muốn biến người bình thường thành những anh hùng. Ông lập ra dự án có tên là Heoric Imagination Project (HIP), với khung khái niệm rằng anh hùng không phải là những người phi thường; họ chỉ là những người bình thường nhưng làm việc phi thường, họ bước ra khỏi cái bình thường để làm điều có ích cho xã hội. Ông lập một lớp học để dạy những đức tính anh hùng (hay chủ nghĩa anh hùng – heroism) cho học sinh. Trong lớp học này, ông muốn dạy học sinh tách ra khỏi những đám đông hành xử ác ôn. Có lẽ một dự án HIP cũng cần thiết cho giới công an và các quản giáo của các trại giam trên toàn quốc.
http://danluan.org/tin-tuc/20140404/nguyen-van-tuan-tai-sao-nguoi-ta-tro-nen-ac-on

Vụ 5 công an dùng nhục hình: “Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực”